Chiến lược giá không chỉ là một mức giá mà doanh nghiệp đưa ra cho sản phẩm/dịch vụ, mà đây còn là một chiến lược quan trọng trong Marketing để doanh nghiệp cạnh tranh trên thị trường. Trong bài viết này, cùng IMTA tìm hiểu chiến lược giá là gì? Các chiến lược giá trong Marketing, cùng những ví dụ thực tế để hiểu rõ hơn cách doanh nghiệp áp dụng chiến lược trong quá trình kinh doanh.
Những nội dung cần chú ý về chiến lược giá trong bài viết này:
- Chiến lược giá là gì?
- Vai trò của chiến lược giá trong Marketing
- Phân biệt chiến lược giá và phương pháp định giá
- Các chiến lược giá trong Marketing
- Cách xác định chiến lược giá
1. Chiến lược giá là gì?
Chiến lược giá là cách doanh nghiệp định giá sản phẩm/dịch vụ để bán ra thị trường, nhằm mục đích là tăng doanh thu, thu hút khách hàng tiềm năng, định vị thương hiệu và tối ưu lợi nhuận cho doanh nghiệp.


Chiến lược giá tiếng anh là Pricing Strategy, chiến lược này được xây dựng dựa trên nhiều yếu tố như: chi phí sản xuất, mức độ cạnh tranh, nhu cầu thị trường, xu hướng hành vi của khách hàng,… để doanh nghiệp có thể tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Mục tiêu chính của chiến lược giá là giúp doanh nghiệp tìm ra được mức giá cạnh tranh nhất so với các đối thủ trên thị trường và thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng để có thể gia tăng doanh số, đạt được mục tiêu trong kinh doanh.
2. Vai trò của chiến lược giá trong Marketing
Chiến lược giá đóng vai trò rất quan trọng trong Marketing của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận và hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Một số vai trò của chiến lược giá trong Marketing như:


- Định vị thương hiệu: Một chiến lược giá hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được lòng tin với khách hàng và xác định được định vị thương hiệu của mình trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh khác. Đồng thời chiến lược giá giúp doanh nghiệp sẽ nhắm đến đúng tệp khách hàng tiềm năng hơn và tiếp cận được nhiều khách hàng trên thị trường.
- Tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường: Chiến lược giá sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra được những lợi điểm bán hàng độc nhất (USP trong Marketing), cạnh tranh về giá cả hơn so với đối thủ và thi trường để thu hút khách hàng.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi: Giá cả ảnh hưởng rất lớn đến quyết định mua hàng của khách hàng. Chính vì vậy một chiến lược giá phù hợp sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi của khách hàng tiềm năng để trở thành người mua hàng.
- Tăng doanh thu: Các chiến lược giá trong Marketing như giảm giá, khuyến mại, combo,… sẽ giúp kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng và giúp doanh nghiệp có thể gia tăng doanh thu từ chiến lược Marketing Online này.
- Định vị sản phẩm: Trong Marketing, chiến lược giá sẽ giúp doanh nghiệp định vị sản phẩm trên thị trường và khiến khách hàng dễ dàng nhớ đến sản phẩm. Ví dụ: Sản phẩm có mức giá cao thì sẽ được định vị sản phẩm cao cấp trên trường để nhắm đến những phân khúc khách hàng cao cấp,…
3. Phân biệt chiến lược giá và phương pháp định giá
Chiến lược giá và phương pháp định giá là 2 khái niệm rất dễ bị nhầm lẫn với nhau, mặc dù cùng liên quan đến mức giá của sản phẩm/dịch vụ. Tuy nhiên, chiến lược giá và phương pháp định giá có nhiều sự khác biệt về khái niệm, mục đích,…
Để có thể hiểu rõ hơn thì dưới đây là bảng phân biệt chiến lược giá và phương pháp định giá:
Tiêu chí | Chiến lược giá (Pricing Strategy) | Phương pháp định giá (Pricing Method) |
Khái niệm | Chiến lược giá là kế hoạch tổng thể của doanh nghiệp trong việc xác định mức giá sản phẩm/dịch vụ, nhằm đạt được mục tiêu trong kinh doanh của doanh nghiệp. | Phương pháp định giá là quá trình cụ thể để tính toán và xác định mức giá bán của sản phẩm/dịch vụ bằng những con số cụ thể, để phù hợp với mục tiêu đã đưa ra của doanh nghiệp. |
Đặc điểm | Dựa trên các yếu tố vĩ mô như thị trường, đối thủ cạnh tranh, khách hàng,… | Dựa trên vi mô như chi phí sản xuất, giá bán của đối thủ cạnh tranh,… |
Mục tiêu | Định hướng chiến lược Marketing và chiến lược kinh doanh để tăng doanh thu, gia tăng thị phần, tối đa hóa lợi nhuận, tạo lợi thế cạnh tranh,… | Xác định mức giá bán cụ thể cho sản phẩm/dịch vụ dựa trên chiến lược giá đã lựa chọn và tính toán được mức giá hợp lý trên thị trường. |
Thời gian | Chiến lược giá thường được áp dụng dài hạn theo chu kỳ sống của sản phẩm, để có thể phát triển được các chiến lược Marketing phù hợp. | Phương pháp định giá thường được áp dụng ngắn hạn, dễ thay đổi linh hoạt theo sự phát triển của thị trường, chi phí sản xuất và lợi nhuận mong muốn của doanh nghiệp. |
4. Các chiến lược giá trong Marketing
Chiến lược giá trong Marketing rất đa dạng và mỗi chiến lược đều có một mục đích sử dụng khác nhau. Dưới đây là 10 chiến lược giá trong Marketing, được doanh nghiệp áp dụng và sử dụng phổ biến nhất trên thị trường hiện nay:


Chiến lược giá thâm nhập thị trường (Penetration Pricing)
Chiến lược giá thâm nhập thị trường (Penetration Pricing) là chiến lược mà doanh nghiệp sử dụng để thâm nhập vào thị trường mới, bằng cách bán sản phẩm/dịch vụ có mức giá thấp hơn thị trường trong thời gian mới ra mắt sản phẩm. Sau khi có được một lượng khách hàng ổn định thì doanh nghiệp sẽ bắt đầu tăng giá sản phẩm lên.
Mục tiêu của chiến lược giá thâm nhập thị trường là nhanh chóng thu hút một lượng khách hàng lớn, chiếm lĩnh thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong một khoảng thời gian ngắn.
Rủi ro lớn nhất của doanh nghiệp khu áp dụng chiến lược giá thâm nhập thị trường là khi bán sản phẩm với mức giá thấp, thì doanh nghiệp sẽ ít lợi nhuận hoặc lỗ nặng trong thời gian giới thiệu sản phẩm và sau khi khách hàng đã quen với mức giá thấp, thì khi doanh nghiệp tăng giá sản phẩm/dịch vụ lên có thể sẽ khiến khách hàng rời bỏ sản phẩm vì giá cả.
Ví dụ chiến lược giá thâm nhập thị trường: Grab khi mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam đều có các voucher giảm giá khi đặt xe và giá dịch vụ Grabbike là 10.000đ/km áp dụng với 2km đầu tiên, 3.400đ/km mỗi km tiếp theo. Sau hơn 10 năm hoạt động, thì hiện tại Grab đã tăng giá dịch vụ lên 12.500 đ/km áp dụng với km đầu tiên và 4.300đ/km tiếp theo, cùng với đó là giảm bớt đi các voucher giảm giá khi đặt xe.
Chiến lược giá hớt váng (Price Skimming)
Chiến lược giá hớt váng (Price Skimming) hay còn được gọi là chiến lược hớt váng sữa.
Ngược lại với chiến lược giá thâm nhập thị trường, chiến lược giá hớt váng là doanh nghiệp bán sản phẩm/dịch vụ ở mức giá cao khi vừa mới ra mắt sản phẩm, nhằm khẳng định chất lượng sản phẩm và thu hút những nhóm khách hàng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm/dịch vụ ở mức giá cao. Sau đó, khi thị trường và sản phẩm dần bão hòa thì doanh nghiệp sẽ giảm giá sản phẩm dần dần để tiếp cận các phân khúc khách hàng khác.
Mục tiêu của chiến lược giá hớt váng là đối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp trong từng chu kỳ sống của các sản phẩm mới, sản phẩm độc đáo, ít cạnh tranh, có giá trị cao,… để tiếp cận đến những tệp khách hàng cao cấp rồi sau đó giảm giá để tiếp cận đến những tệp khách hàng khác thường nhạy cảm về giá.
Ví dụ chiến lược giá hớt váng: Apple thường áp dụng chiến lược giá hớt váng, bằng cách bán các sản phẩm iPhone mới ra mắt với mức giá cao để thu hút khách hàng và thu hồi vốn chi phí sản xuất nhanh hơn. Sau một thời gian sản phẩm ổn định trên thị trường thì bắt đầu giảm giá sản phẩm để phù hợp với nhiều khách hàng khác.
Chiến lược giá cạnh tranh (Competitive Pricing)
Chiến lược giá cạnh tranh (Competitive Pricing) là chiến lược mà doanh nghiệp xác định giá sản phẩm/dịch vụ dựa trên mức giá của đối thủ cạnh tranh, thay vì xác định trên chi phí sản xuất.
Mục tiêu của chiến lược giá cạnh tranh là duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường với các đối thủ cạnh tranh, bằng cách bán bán các sản phẩm bằng giá, thấp hơn hoặc cao hơn một xíu so với đối thủ. Chiến lược này phù hợp với các sản phẩm tương tự nhau để khách hàng dễ dàng so sánh về giá.
Nhược điểm lớn nhất của chiến lược giá cạnh tranh là sẽ không tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững, nếu chỉ dựa vào giá để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng.
Ví dụ về chiến lược giá cạnh tranh: Các cửa hàng như Điện Máy Xanh, Thế Giới di động, FPT Shop,.. thường xuyên cập nhật giá của các sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh, để mức giá bán không bị cao hơn thị trường hoặc cao hơn đối thủ quá nhiều.
Chiến lược giá theo dòng sản phẩm (Product Line Pricing)
Chiến lược giá theo dòng sản phẩm (Product Line Pricing) là chiến lược mà doanh nghiệp đưa ra nhiều mức giá khác nhau cho các sản phẩm nằm trong cùng một dòng sản phẩm.
Mục tiêu của chiến lược giá theo dòng sản phẩm là tạo ra sự khác biệt về giá, để đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau. Các sản phẩm có mức giá chênh lệch với nhau sẽ phản ánh được tính năng, chất lượng, lợi ích,… của mỗi sản phẩm mang lại và giúp doanh nghiệp tối đa hóa được lợi nhuận.
Ví dụ về chiến lược giá theo dòng sản phẩm: Kem đánh răng P/S có nhiều phiên bản khác nhau như: kem đánh răng ngừa sâu răng, kem đánh răng than hoạt tính, kem đánh răng giảm ê buốt, kem đánh răng dành cho trẻ em…. với các mức giá khác nhau để đáp ứng được nhu cầu về chất lượng sản phẩm, cũng như về giá cho khách hàng lựa chọn.
Chiến lược giá theo combo (Product Combo Pricing)
Chiến lược giá theo combo (Product Combo Pricing) là chiến lược gồm nhiều sản phẩm/dịch vụ có liên quan đến nhau được gộp lại thành 1 gói và bán với mức giá ưu đãi hơn so với việc khách hàng phải mua lẻ từng sản phẩm/dịch vụ, tạo cảm giác mua được sản phẩm với mức giá tốt hơn cho khách hàng.
Mục tiêu của chiến lược giá theo combo là gia tăng giá trị đơn hàng, khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn để gia tăng doanh số bán hàng và tối ưu được doanh thu cho doanh nghiệp.
Ví dụ về chiến lược giá theo combo: Jollibee cung cấp Combo cặp đôi ăn ý bao gồm 2 gà giòn + 2 mì ý + 2 nước + 1 khoai tây chiên với mức giá là 145.000đ, trong khi nếu mua lẻ từng món sẽ có giá là 180.000đ. Chiến lược này đã giúp cho khách hàng cảm thấy tiết kiệm được chi phí hơn và giúp Jollibee khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn, thay vì chỉ mua một vài món.
Chiến lược giá khuyến mãi (Promotional Pricing)
Chiến lược giá khuyến mãi (Promotional Pricing) là hình thức doanh nghiệp đưa ra các chiến lược giảm giá, quà tặng kèm, mua 1 tặng 1,… sản phẩm/dịch vụ trong một khoảng thời gian ngắn để thúc đẩy nhu cầu mua hàng của khách hàng.
Mục tiêu của chiến lược giá khuyến mãi là tạo sự chú ý và thu hút khách hàng từ những lần mua đầu tiên, để có thể gia tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp trong một khoảng thời gian ngắn hoặc giúp doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho.
Ví dụ về chiến lược giá khuyến mãi: Các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Lazada,… thường có các chương trình khuyến mãi lớn hàng tháng như 4/4, 15/4, 5/5,… để kích thích nhu cầu mua sắm online của khách hàng.
Chiến lược giá theo tâm lý (Psychological Pricing)
Chiến lược giá theo tâm lý (Psychological Pricing) là doanh nghiệp sẽ xác định giá của sản phẩm/dịch vụ dựa trên tâm lý, cảm nhận của khách hàng về giá trị sản phẩm, thay vì xác định dựa trên giá trị của sản phẩm/dịch vụ.
Mục tiêu của chiến lược giá theo tâm lý là tác động trực tiếp đến cảm xúc, nhận thức của khách hàng, để họ cảm thấy giá của sản phẩm hấp dẫn và kích thích hành động mua hàng của khách hàng.
Ví dụ về chiến lược giá theo tâm lý:
- Giá của sản phẩm thường được kết thúc bằng số 9 như 99.000đ sẽ tạo cảm giác hấp dẫn và thu hút khách hàng hơn là sản phẩm để 100.000đ.
- Hiệu ứng giá như 500.000đ giảm còn 299.000đ, sẽ tạo cho khách hàng cảm thấy giá của sản phẩm này đang được sale rất tốt.
Chiến lược giá dựa trên giá trị cảm nhận (Value-based Pricing)
Chiến lược giá dựa trên giá trị cảm nhận (Value-based Pricing) là chiến lược định giá sản phẩm/dịch vụ dựa trên những giá trị mà khách hàng cảm nhận được. Thay vì tập trung vào các chi phí sản xuất, chi phí cạnh tranh trên thị trường,… thì chiến lược này được xác định bởi mức giá mà khách hàng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm/dịch vụ mang lại giá trị cho họ.
Mục tiêu của chiến lược giá dựa trên giá trị cảm nhận là tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp khi khách hàng chấp nhận sản phẩm có mức giá cao.
Ví dụ về chiến lược giá dựa trên cảm nhận: Apple bán các sản phẩm iPhone cao hơn các dòng điện thoại khác trên thị trường, nhưng khách hàng vẫn lựa chọn iPhone bởi họ cảm nhận được giá trị của thương hiệu, thiết kế, công nghệ,… mà thương hiệu mang lại.
Chiến lược giá theo phân khúc (Segmented Pricing)
Chiến lược giá theo phân khúc (Segmented Pricing) là doanh nghiệp áp dụng các mức giá khác nhau cho từng phân khúc khách hàng, dựa trên các tiêu chí như độ tuổi, giới tính, thu nhập,…
Mục tiêu của chiến lược giá theo phân khúc là xác định được STP trong Marketing cho doanh nghiệp, giúp tiếp cận được nhiều khách hàng ở nhiều phân khúc khác nhau để có thể gia tăng doanh thu và khả năng hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ.
Ví dụ về chiến lược giá theo phân khúc: Khi đi xem phim tại các rạp chiếu phim, giá vé xem phim của học sinh sẽ rẻ hơn so với giá vẻ của người lớn. Đây cũng là một chiến lược giá phân khúc khách hàng để thu hút các phân khúc khách hàng là học sinh, sinh viên có nhu cầu xem phim cao và tệp khách hàng lớn cho khả năng chi trả cao để tối đa lợi nhuận cho rạp chiếu phim.
Chiến lược giá sản phẩm đi kèm (Optional – Product Pricing)
Chiến lược giá sản phẩm đi kèm (Optional – Product Pricing) là các sản phẩm phụ sẽ được bán đi kèm chung với sản phẩm chính của doanh nghiệp.
Mục tiêu của chiến lược giá sản phẩm đi kèm là gia tăng doanh số bán hàng cho doanh nghiệp bằng cách bán thêm các sản phẩm đi kèm, để cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn sản phẩm khi mua hàng với mức giá hấp dẫn.
Ví dụ về chiến lược giá sản phẩm đi kèm: iPhone bán điện thoại nhưng không kèm tai nghe hay sạc điện thoại, nếu khách hàng muốn mua điện thoại iPhone thì phải mua kèm phụ kiện như sạc điện thoại, tai nghe, ốp điện thoại,.. đi kèm cho đầy đủ. Bằng cách này, Apple đã không chỉ bán được điện thoại và còn gia tăng doanh thu từ các sản phẩm đi kèm.
5. Cách xác định chiến lược giá phù hợp
Để xác định được chiến lược giá phù hợp với sản phẩm/dịch vụ, thì doanh nghiệp cần phải xem xét và xác định qua nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là cách xác định chiến lược giá cho doanh nghiệp trong Marketing:


Xác định mục tiêu Marketing của doanh nghiệp
Doanh nghiệp phải xác định được mục tiêu Marketing mà mình muốn đạt được từ chiến lược giá là gì? Mỗi mục tiêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến sự thành công của chiến lược giá và chiến lược Marketing của doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Ví dụ:
- Doanh nghiệp đặt mục tiêu thu hút được nhiều khách hàng mới biết đến doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp đặt mục tiêu định vị thương hiệu cao cấp trong tâm trí của khách hàng mỗi khi nhớ đến doanh nghiệp.
Phân tích chân dung khách hàng mục tiêu
Việc phân tích chân dung khách hàng mục tiêu (Buy Persona) sẽ giúp doanh nghiệp xác định được Ai là người mua sản phẩm/dịch vụ và từ đó sẽ lựa chọn được chiến lược giá phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả, thu nhập,… của khách hàng mục tiêu.
Để xác định được chân dung khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể thực hiện phân tích theo mô hình 5w1h trong Marketing để tìm ra được chiến lược giá phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu.
- Thông tin nhân khẩu học của khách hàng: độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập, vị trí địa lý,…
- Hành vi mua sắm của khách hàng: tần suất mua hàng, thói quen mua sắm online hay offline,…
- Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng: giá cả, chất lượng, thương hiệu,….
Phân tích đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp
Phân tích đối thủ cạnh tranh là bước quan trọng để doanh nghiệp hiểu rõ được:
- Đối thủ cạnh tranh chính của doanh nghiệp hiện tại là ai?
- Các đối thủ đang áp dụng chiến lược giá gì cho sản phẩm/dịch vụ? (chiến lược giá hớt váng, chiến lược giá combo,…)
- Đối thủ có lợi thế gì về giá trên thị trường?
- …
Để phân tích được những yếu tố này thì doanh nghiệp phần phải áp dụng mô hình phân tích SWOT, để hiểu rõ về đối thủ từ đó đưa ra chiến lược giá phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Xác định giá trị của sản phẩm/dịch vụ
Xác định giá trị sản phẩm/dịch vụ là bước then chốt trước khi doanh nghiệp lựa chọn chiến lược giá. Trong Marketing, giá trị của sản phẩm/dịch vụ không chỉ là là mức giá bán ra thị trường, mà còn là những lợi ích mà sản phẩm/dịch vụ mang đến cho khách hàng khi mua.
- Các yếu tố tạo nên giá trị sản phẩm/dịch vụ như chất lượng, công dụng, độ bền,…
- Giá trị của sản phẩm/dịch vụ đến từ các thương hiệu lớn, uy tín trên thị trường,…
- …
Lựa chọn chiến lược giá phù hợp
Sau khi đã phân tích các yếu tố như mục tiêu Marketing, khách hàng mục tiêu, đối thủ cạnh tranh, giá trị sản phẩm/dịch vụ. Tiếp theo, doanh nghiệp đã có thể lựa chọn một chiến lược giá phù hợp với định hướng mục tiêu của chiến dịch Marketing sắp triển khai.
Ví dụ:
- Doanh nghiệp đặt mục tiêu thu hút khách hàng tiềm năng chú ý đến sản phẩm mới, thì có thể lựa chọn chiến lược giá thâm nhập thị trường.
- Doanh nghiệp đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giá cả, thì có thể lựa chọn chiến lược giá combo hoặc chiến lược giá khuyến mãi.
- …
Theo dõi và điều chỉnh chiến lược giá
Sau khi đã lựa chọn được chiến lược giá phù hợp với chiến dịch marketing của doanh nghiệp để áp dụng vào triển khai thực tế. Doanh nghiệp cần phải theo dõi liên tục, để đảm bảo chiến lược giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu trong marketing, gia tăng doanh thu, lợi nhuận và duy trì được khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Việc theo dõi thường xuyên sẽ giúp doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược giá trước những thay đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng cho phù hợp.
Nếu bạn vẫn chưa nắm vững được quy trình xác định chiến lược giá và cách xây dựng một chiến lược Marketing Online hiệu quả. Tham gia ngay Khóa học Digital Marketing tại IMTA để nắm vững các kiến thức xây dựng chiến lược Marketing từ cơ bản đến chuyên sâu, giúp bạn hay chủ doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí và gia tăng doanh số.
6. Ví dụ về chiến lược giá của Vinamilk
Để hiểu rõ hơn về chiến lược giá, dưới đây là ví dụ về chiến lược giá của Vinamilk – một trong những thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam hiện nay:


- Chiến lược giá theo phân khúc khách hàng
Trước đây thì Vinamilk chỉ cung cấp sản phẩm chính là Sữa tươi Vinamilk 100%, tuy nhiên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì thương hiệu sữa Vinamilk đã cung cấp nhiều dòng sản phẩm sữa khác nhau, ví dụ như:
Sản phẩm sữa cho trẻ em như Dielac Alpha Gold, Optimum Gold,… có mức giá từ 200.000 – 500.000VND, tùy theo khối lượng và mức độ dinh dưỡng trong sữa để phù hợp từng độ tuổi và giai đoạn phát triển của trẻ.
Các sản phẩm sữa tươi Organic, Vinamilk Green Farm có mức giá cao hơn Vinamilk 100% để phù hợp với phân khúc khách hàng có thu nhập khá trở lên, thường có thói quen quan tâm đến sức khỏe của mình.
- Chiến lược giá theo dòng sản phẩm
Vinamilk cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn trong cùng một dòng sản phẩm, ví dụ như: Sữa chua có đường, sữa chua không đường, sữa chua nếp cẩm,…
Mỗi sản phẩm sẽ có các công dụng khác nhau và mức giá cũng chênh lệch hơn, để có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
- Chiến lược giá theo combo
Để kích thích nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng, Vinamilk thường tổ chức các chương trình khuyến mãi tại các kênh phân phối như siêu thị, cửa hàng,.. với hình thức mua 2 lốc sữa Vinamilk 180ml tặng 1 hộp sữa cùng loại,…. để khuyến khích khách hàng mua nhiều sản phẩm hơn.
7. Các câu hỏi về chiến lược giá thường gặp
8. Tổng kết
Các chiến lược giá trong Marketing đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường và kết nối với khách hàng mục tiêu để xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
Hy vọng qua bài viết này của IMTA đã giúp bạn hiểu rõ về khái niệm chiến lược giá là gì, biết được các chiến lược giá trong marketing. Đồng thời qua ví dụ về chiến lược giá của Vinamilk có thể thấy được chiến lược giá giúp doanh nghiệp tiếp cận đến khách hàng và gia tăng doanh số bán hàng rất hiệu quả, từ đây bạn cũng có thể học hỏi để áp dụng vào chiến lược giá cho doanh nghiệp của mình nhé!